Review sách “Những cảm xúc bị dồn nén” – Repressed Emotions
Review sách “Những cảm xúc bị dồn nén” – Repressed Emotions

Review sách “Những cảm xúc bị dồn nén” – Repressed Emotions

Review sách “Những cảm xúc bị dồn nén” – Repressed Emotions của bác sĩ tâm thần, nhà thần kinh học Isador Henry Coriat.

Mình bắt đầu đọc quyển này vì được nghe 1 đoạn của chương 1 nói về việc nghiên cứu “Ý thức” và “Vô thức”. Mình cũng đã đọc, tìm hiểu về “2 thức” này ở các góc nhìn về tâm linh và phương pháp trị liệu Emotion Code, nên cũng muốn tìm hiểu thêm dưới góc nhìn của khoa học nghiên cứu tâm lý.

➖Toàn bộ nội dung tập trung vào 2 vấn đề: Cảm xúc bị dồn nén & Các tầng vô thức của con người. Trong đó, phân tích cụ thể qua các trường hợp của bệnh nhân thực tế, qua văn chương, truyện cổ tích, những hiện tượng tâm linh trong dân gian…

➖Nhận xét chung của mình: Đây là quyển sách nên đọc để tham khảo thêm về một góc nhìn, phương diện phân tích về vô thức, Nhưng, là một quyển sách nên cẩn trọng và lí trí khi đọc để tự sàng lọc các quan điểm phù hợp và tránh bị cuốn vào luồng xoáy tiêu cực xuyên suốt sách (nhìn đâu cũng thấy bệnh thần kinh). Một lý do cần cẩn thận khi đọc là tác giả đã viết quyển này hơn 100 năm trước nên có nhiều vấn đề, quan niệm đã thay đổi, không thật sự phù hợp ở hiện tại.

➖Mình khá thích các chương đầu của sách khi phân tích về các cảm xúc bị dồn nén vào tầng vô thức là nguyên nhân gây nên rất nhiều vấn đề đáng quan ngại của con người, cụ thể là những hành vi kì lạ, khác thường, thậm chí man rợ. Sách cũng phân tích về ý nghĩa các giấc mơ liên quan đến những gì đang ẩn giấu sâu trong tầng vô thức của mỗi người. Tuy nhiên, có thể dưới góc độ nghiên cứu khoa học, và tác giả cũng theo trường phái nghiên cứu của Sigmund Freud nên gần như phủ nhận hoàn toàn các mối liên hệ với tâm linh. Ở đây, với quan điểm và trãi nghiệm cá nhân, mình yêu thích hơn sự mở rộng và khách quan hơn khi nhắc về Vô thức – hay còn gọi là Tàng thức trong Phật giáo. Khái niệm vô thức trong sách này bao hàm những cảm xúc bị dồn nén từ thời thơ ấu, không được giải tỏa, từ đó sinh ra nhiều bệnh tâm lý, thể hiện thành nhiều hành vi trái lẽ thường. Khái niệm tàng thức mở rộng hơn, là nơi chứa toàn bộ mọi thông tin, mọi “nghiệp lực” của linh hồn qua tất cả các kiếp sống; không chỉ là những bế tắc chưa được xử lý và giải tỏa ở kiếp sống hiện tại, mà nhiều vấn đề đã dồn nén từ nhiều đời sống trước – mà mọi người vẫn hay gọi là các bài học chưa hoàn thành, cứ mãi lặp đi lặp lại. Và tàng thức không chỉ chứa đựng những điều xấu xa mà chứa đựng tất cả mọi thứ của một linh hồn – để từ những thông tin này- “Nhân” tạo nên “Quả”. Tất nhiên, quan điểm tâm linh sẽ tùy thuộc mỗi người, nhưng điều chúng ta đều thừa nhận ở đây là có 1 thứ gọi là “Vô thức”, có 1 thứ gọi là “Cảm xúc bị đè nén”, và chúng quyết định phần rất lớn đến hành vi, thái độ, sức khỏe, cuộc sống của một người.

Thêm một điểm mình không hợp lắm với quan điểm nghiên cứu của các giả, đó là việc mang tính dục trở thành yếu tố quyết định gần như đến 99% cho những cảm xúc đè nén. Và việc khẳng định ý nghĩa những giấc mơ chỉ để giải phóng đè nén của vô thức (Mình đồng ý với quan điểm về giấc mơ nhưng không phải 100%. Vẫn có những giấc mơ mang ý nghĩa khác biệt).

➖Phần sau của sách đi vào phân tích chi tiết một số tác phẩm văn chương điển hình và các câu chuyện cổ tích, chuyện ma ám… Mình thấy cách phân tích khá hay và cũng là một góc nhìn mới mẻ cho ai yêu thích nghiên cứu về tâm lý. Nhưng! Mình sẽ thích hơn nếu tác giả không nghiên hẳn về một quan điểm “hơi toxic” – với mình – khẳng định hoàn toàn sự việc theo ý tác giả và bác bỏ các khía cạnh khác. Mình không đi sâu giải thích quan điểm này vì nó là câu chuyện dài và nhiều thứ cần giải thích hơn.

➖Ngoài ra, còn có 1 số quan điểm mà mình thấy người đọc cần cân nhắc rất cẩn thận, nói thẳng thì quan điểm không còn phù hợp ở hiện tại, VD như: “Hướng nội là một cách chạy trốn khỏi thực tại”; Đồng tính luyến ái là bệnh, có thể chữa trị….

💢Kết luận: Mình vẫn sẽ đọc kĩ lại sách thêm một vài lần để hiểu rõ hơn các phân tích ví dụ của tác giả và đề xuất mọi người đọc nếu ai quan tâm về chủ đề này. Nhưng vẫn sẽ giữ quan điểm cẩn trọng trong suốt thời gian đọc.

22.04.2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *